Tháp Luân Đôn là một di tích nổi tiếng quốc tế và là một trong biểu tượng của xứ sở sương mù. Năm 1066 William I đã xây dựng Tháp Trắng tại một vị trí chiến lược bên bờ sông Thames, có chức năng như một pháo đài và cửa ngõ vào thủ đô.
Tọa lạc ở góc đông nam của tường thành La Mã cổ, pháo đài này trước được làm bằng gỗ sau xây lại bằng đá tảng, có tên là Tháp Lớn. Nó có dạng hình vuông, rộng 32 mét, dài 36 mét; cao 27 mét. Sau khi một vị vua cho quét vôi, Tháp được đổi tên là Tháp Trắng.
Đứng sừng sững bên bờ sông Thames, đây là một điểm ngăn cách trọng yếu giữa sức mạnh của Thành phố Luân Đôn đang phát triển và sức mạnh của chế độ quân chủ, có vai trò bảo vệ cho Thành phố qua cấu trúc phòng thủ và đồn trú, kiểm soát các công dân bằng các phương tiện tương tự.
Các vua kế vị đã cho dựng thêm những ngọn tháp xung quanh với kích thước khác nhau, hai bức tường vững chắc và một hào sâu được đào bao quanh ôm trọn các tòa tháp, làm cho công trình này trở thành một phái đài bất khả xâm phạm ở châu Âu. Khi hòa bình lập lại, Tháp là điểm khởi đầu của những cuộc diễu hành trong ngày lễ đăng quang. Đến đây, vua và đoàn tùy tùng sống trong những gian phòng được trang trí tinh xảo, và vua chiêu đãi khách quý bằng những yến tiệc long trọng.
Tháp Luân Đôn là tiêu biểu cung điện pháo đài từ thế kỷ 11 còn tồn tại ở châu Âu với vai trò chính của tháp là một pháo đài, cung điện hoàng gia, nhưng được nhắc đến nhiều nhất vẫn là nhà tù (dành cho các tù nhân hoàng gia có địa vị cao, Nữ hoàng Elizabeth I từng bị giam tại đây). Nơi đây đã là chứng nhân lịch sử của nhiều sự kiện quan trọng, vang danh trong lịch sử châu Âu, bao gồm cả việc xử tử hoàng hậu Anne Boleyn, Catherine Howard và Nữ Hoàng Jane Grey, sau khi lên ngôi vẻn vẻn chín ngày.
Năm 1988, tháp Luân Đôn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO công nhận là Di sản thế giới.